DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN ÁP DỤNG CHIẾN LƯỢC 'VẾT DẦU LOANG' NHƯ THẾ NÀO?
Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh là cái tên tiên phong trong việc phát triển chuỗi sản phẩm. Đầu tiên là dòng chung cư 8X với nhiều sản phẩm dành cho người trẻ như: 8X Đầm Sen, 8X Rainbow, 8X Plus, 8X Thái An… Đây là những căn hộ có giá tiền trên dưới một tỉ đồng nhưng nằm ở vị trí đắc địa nên sản phẩm nhanh chóng được thị trường đón nhận. Sau đó, Hưng Thịnh tiếp tục thành công rực rỡ với chuỗi dự án mang tên Moonlight với các sản phẩm: Moonlight Park View và Moonlight Boulevard ở quận Bình Tân, Moonlight Resedences ở Thủ Đức. Ở mỗi sản phẩm, Hưng Thịnh đều chăm chút từng chi tiết nhỏ, chất lượng xây dựng và thời hạn bàn giao đúng tiến độ nên tạo được sự tin tưởng với khách hàng. Do đó, mỗi dự án của Hưng Thịnh mở bán đều “cháy hàng” ngay trong lễ công bố.
Tương tự, Sacomreal cũng đi theo chiến lược vết dầu loang với hai dòng sản phẩm chủ lực là Jamona và Carillon. Hiện tại, Sacomreal đã bàn giao Carillon 1, 2, 3 và đang chuẩn bị mở bán Carillon 7. Dòng sản phẩm Carillon được công ty này phát triển chủ yếu ở Tân Bình, Tân Phú với giá bán từ 1,5-2 tỉ đồng/căn.
Điều đáng nói, mỗi doanh nghiệp bất động sản định vị thương hiệu bằng chuỗi sản phẩm đều lấy chất lượng làm nền tảng chứ không chỉ là tên gọi.
Chuyên gia kinh tế Lê Hoàng Minh, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì doanh nghiệp bất động sản phải tạo ra những sản phẩm thật sự khác biệt, mang thương hiệu riêng. Trong đó, chuỗi sản phẩm là một trong những cách mà các công ty địa ốc định vị thương hiệu của mình với khách hàng.
“Để tạo ra được những dòng sản phẩm chuyên biệt, thành công và tiên phong trên thị trường doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính vững mạnh. Lãnh đạo công ty cũng phải có tầm nhìn xa để tạo được hướng đi đúng đắn. Khi dự án mang lại giá trị vượt trội và bền vững cho cư dân thì giá trị của chủ đầu tư được nâng tầm”, ông Minh nói.
Ví dụ như Him Lam Land, doanh nghiệp này đang thành công với chiến lược nhà xây lên mới bán.Trên thực tế, dù nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn nhưng không phải dự án nào cũng bán được hàng. Trong bối cảnh mà các yếu tố về chất lượng và giá cả không còn sự chênh lệch nhiều, chủ đầu tư dự án nào chiếm được niềm tin của người mua nhà, thương hiệu đó sẽ thành công.
Trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, để chứng minh được uy tín và tiềm lực đối với thị trường là điều không đơn giản vì đòi hỏi sự kiên định và chi phí rất lớn. Giám đốc một Sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại TP.HCM nhận xét: “Hình thức xây nhà lên mới bán như Him Lam Land không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Cách làm này đòi hỏi chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính ứng trước dòng vốn rất lớn để thi công dự án chứ không được phép trông chờ vào dòng tiền từ khách hàng để xây dựng”.
Vị giám đốc này cũng phân tích, đây là dòng vốn khá nhiều áp lực nếu doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ. Chủ đầu tư chấp nhận đi vay hoặc tự xoay xở khoản chi phí tài chính cho dự án để thay thế cho phương thức huy động vốn truyền thống từ khách hàng như trước đây.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, phát triển chuỗi sản phẩm là câu chuyện dài hơi của mỗi doanh nghiệp. Mục tiêu lớn nhất của việc này là kiến tạo giá trị bền vững cho người tiêu dùng và bản thân doanh nghiệp. Để làm được điều này, mỗi công ty phải có tiềm lực tài chính vững vàng thì mới có thể phát triển được nhiều dự án.